Hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV bằng ARV

25/07/2014 Lượt xem: 231 In bài viết

Tuân thủ điều trị là một người cần thực hiện việc uống thuốc theo đúng “5Đ”: Đúng thuốc, Đúng liều, Đúng giờ, Đúng đường và Đúng cách. Nếu việc tuân thủ điều trị không tốt sẽ có nguy cơ kháng thuốc. Tuy nhiên, người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn về lâm sàng và miễn dịch sẽ được các bác sĩ điều trị HIV/AIDS kê đơn thuốc ARV phù hợp với tình trạng của họ. Không phải tất cả những người nhiễm HIV đều dùng các loại thuốc ARV giống nhau. Hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV bằng ARV gồm:

* Tư vấn tuân thủ
Việc này giúp người nhiễm HIV và gia đình họ củng cố thông tin về tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị ARV. Giải thích cho bệnh nhân và gia đình tầm quan trọng và lợi ích của tuân thủ điều trị với họ và các tác hại họ sẽ phải đương đầu nếu không tuân thủ điều trị. Để đánh giá mức độ tuân thủ điều trị cần theo các câu hỏi:

+ Hỏi các thông tin về tuân thủ điều trị: Uống thuốc như thế nào? Có bị quên thuốc lần nào không?
+ Đếm số viên thuốc còn lại và đối chiếu với Sổ Y bạ xem lượng thuốc còn lại có phù hợp với số thuốc ghi trong Sổ Y bạ không.
Hỗ trợ người nhiễm HIV thực hiện việc tuân thủ điều trị tốt phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh (lịch nhắc thuốc, đồng hồ báo thức hoặc gắn việc uống thuốc với một hoạt động quen thuộc hàng ngày). Nếu người nhiễm HIV không nhớ được là họ có uống thuốc đúng hay không và có quên liều nào không thì cần giới thiệu họ tới phòng khám ngoại trú nơi họ đang điều trị ARV để được tư vấn, đánh giá về việc tuân thủ và xử trí phù hợp của bác sĩ điều trị.

* Tư vấn hỗ trợ khi quên liều:
Các lý do quên uống thuốc rất khác nhau như: đi công tác hay đi làm xa, giờ làm việc không phù hợp với giờ uống thuốc, hết thuốc nhưng chưa kịp đi lĩnh, chia sẻ thuốc cho các bạn đồng đẳng... Xác định các khó khăn, cản trở trong việc tuân thủ điều trị, thảo luận với người nhiễm HIV các biện pháp khắc phục, các khó khăn để thực hiện tốt việc tuân thủ điều trị. Khi người nhiễm HIV quên uống thuốc đúng giờ trong ngày cần tư vấn cho họ:

+ Uống ngay liều thuốc đó khi họ nhớ ra.
+ Liều vừa uống phải cách liều kế tiếp ít nhất 4 tiếng.
+ Các ngày sau vẫn uống thuốc đúng giờ quy định.
+ Không uống 2 liều liền một lúc.
Nếu lúc nhớ ra quên uống thuốc đúng vào thời gian cần uống liều tiếp theo thì uống luôn liều thuốc đó và bỏ liều cũ chưa uống.

* Xử trí tác dụng phụ của ARV

Tác dụng phụ thường xảy ra trong vòng 2 - 4 tuần sau khi bắt đầu điều trị ARV. Cần thông báo cho người nhiễm HIV biết trước tác dụng phụ có thể xảy ra để họ chuẩn bị tinh thần và có cách xử trí phù hợp tại nhà. Cung cấp chăm sóc triệu chứng phù hợp để quản lý các triệu chứng của các tác dụng phụ thông thường tại nhà như đau đầu, buồn nôn, nôn, chóng mặt, tiêu chảy... Cảm giác tê bì ở tay chân cũng có thể gặp ở một số trường hợp. Cần giới thiệu người nhiễm HIV đến cơ sở y tế nơi họ đang điều trị ARV trong những trường hợp sau:

+ Có các tác dụng phụ nguy hiểm.
+ Tiếp tục ốm nặng (bị các nhiễm trùng cơ hội nặng khác) mặc dù đã đang điều trị ARV.
+ Bị thiếu máu và rất yếu.
+ Bị phát ban da toàn thân.

* Hỗ trợ tuân thủ điều trị cho trẻ em

- Đối với trẻ đang đi học: Có thể mời giáo viên dạy trẻ tham gia vào việc hỗ trợ tuân thủ cho trẻ trong trường hợp giờ uống thuốc của trẻ trùng với thời gian ở trường. Nhưng cần chú ý về vấn đề bảo mật thông tin và tiết lộ thông tin của trẻ và gia đình.
- Đối với trẻ nhỏ: Kiểm tra và hướng dẫn người chăm sóc cho trẻ uống thuốc đúng liều. Nhất là những trẻ phải sống cùng với người già (ông, bà) hoặc trẻ thường xuyên phải thay đổi chỗ ở (lúc ở cùng ông bà, lúc ở cùng bác, cô, chú, dì...).

- Nếu trẻ đủ lớn để có thể hiểu được trách nhiệm cũng như có ý thức về việc tuân thủ điều trị, có thể tư vấn cho trẻ có ý thức và tự chủ hơn trong việc tuân thủ điều trị.


Thanh Nhàn

Nguồn soyte.hanoi.gov.vn

[TT: TBC]