“Nghiện ma túy có thể phòng ngừa và điều trị"
01/07/2014 Lượt xem: 337 In bài viếtNăm 1987, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 26/6 hằng năm là Ngày quốc tế phòng, chống ma túy. Tại Việt Nam, năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 26/6 là Ngày toàn dân phòng, chống ma túy. Chủ đề của ngày Toàn dân phòng, chống ma túy năm nay là: “Nghiện ma túy có thể phòng ngừa và điều trị".
Sáng 26/06 tại Hà Nội, Cơ quan phòng chống Ma tuý và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đã tổ chức Lễ Công bố Báo cáo Tình hình Ma túy Thế giới 2014 nhân ngày Thế giới phòng, chống ma túy 26/06 hàng năm. Theo đó, trên thế giới hiện có khoảng 243 triệu người trong độ tuổi từ 15 – 64 đã từng sử dụng ma túy, tương đương với 5% dân số thế giới, trong đó, số người lệ thuộc ma túy khoảng 27 triệu người, chiếm khoảng 0,6% dân số trên toàn cầu, với tỷ lệ cứ 200 người thì có một người lệ thuộc ma túy. Ma túy đang hàng ngày hủy hoại hàng triệu tâm hồn, cướp đi sinh mạng của hàng vạn người và hơn thế nữa, phá vỡ cuộc sống bình yên của hàng triệu gia đình và đe dọa an ninh trật tự xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, tình trạng nghiện ma túy không kém phần nghiêm trọng, tính đến tháng 12/2013, toàn quốc quản lý gần 181.400 người nghiện ma túy có hồ sơ, tăng 9.396 người (5,4%) so với năm 2012, đến tháng 05/2014, con số nghiện ma túy cả nước có 182.799 người, tăng 0,8% so với năm 2013; 45 địa phương có số người nghiện tăng; 18 địa phương có số người nghiện giảm. Trong số người nghiện ma túy, trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 0,02%; từ 16 tuổi đến dưới 30 tuổi chiếm 50%.
Tình hình sử dụng ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, số người sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng, đặc biệt là loại ma túy đá đang ở mức báo động. Đây là loại ma túy tổng hợp cực mạnh, nó gây ra ảo giác, làm mất khả năng kiểm soát hành vi, gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, nó tàn phá một bộ phận giới trẻ, nhất là ở các đô thị. Qua thực tế và số liệu nghiên cứu cho thấy có tới 72% người sử dụng ma túy tổng hợp là giới trẻ ở độ tuổi 18-30 tuổi, độ tuổi trên 30 chiếm 26%, riêng độ tuổi dưới 18 ở mức 2% nhưng có xu hướng gia tăng.
Việc buôn bán, vận chuyển ma túy ngày càng diễn biến phức tạp. Bọn tội phạm ma túy ngày càng hung hăng, dùng mọi phương tiện để vận chuyển ma túy vào Việt Nam hay quá cảnh Việt nam đi các nước khác. Đặc biệt trên hai tuyến biên giới Việt – Lào và Việt - Trung bọn buôn lậu ma túy đã vận chuyển bằng mọi phương tiện như đường bộ, ô tô, tàu thuyền từ Lào và Trung Quốc vào Việt nam, hầu hết các đối tượng tham gia mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới đều tự trang bị vũ khí quân dụng, chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ hoặc thanh trừng lẫn nhau khi nảy sinh mâu thuẫn. Trên các tuyến đường hàng không, tội phạm ma túy ngày càng sử dụng những thủ đoạn cất giấu, vận chuyển ma túy hết sức tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Hiện nay, loại ma túy chủ yếu trong các vụ mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ở nước ta là heroin. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây số vụ và lượng ma túy tổng hợp (chủ yếu là ma túy đá) bị phát hiện, bắt giữ gia tăng nhanh chóng với những hình thức tinh vi, xảo quyệt như cất giấu trong hàng hóa, trong cơ thể, hành lý để vận chuyển qua đường biển, đường hàng không...
Trong công tác xóa bỏ cây trồng có chứa chất ma túy, trong năm 2013, các cơ quan chức năng đã phát hiện, triệt xóa 25,8 ha cây có chứa chất ma túy, trong đó có 24,8 ha cây thuốc phiện được trồng ở 16 tỉnh miền núi phía Bắc và 1 ha cần sa trồng rải rác ở 12 tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Tệ nạn sử dụng ma tuý, tội phạm trồng, buôn bán, vận chuyển ma túy đang là hiểm hoạ của quốc gia, dân tộc; là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS. Hậu quả, tác hại do tệ nạn ma tuý gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự của đất nước.
Cuộc chiến chống ma túy ở nước ta đã được tiến hành trong nhiều năm, bằng nhiều biện pháp để kiên quyết loại trừ ma túy ra khỏi đời sống xã hội. Phòng chống ma túy là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội. Nhà nước có chính sách khuyến khích, bảo vệ cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy; tổ chức đấu tranh chống các tội phạm về ma túy và sử dụng đồng bộ các biện pháp kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội, nghiệp vụ để tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, công chức và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy; kết hợp phòng, chống tệ nạn ma túy với phòng, chống các loại tội phạm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.
Theo Chủ đề của ngày Toàn dân phòng, chống ma túy năm nay, chúng ta xác định, nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài bao gồm tổng thể các can thiệp hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép.
Thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện bao gồm điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội. Tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các Trung tâm với lộ trình phù hợp. Điều trị nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội theo quyết định của Tòa án nhân dân. Tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị nghiện thích hợp tại cộng đồng.
Nhà nước đầu tư nguồn lực và có chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác dự phòng và điều trị nghiện; hỗ trợ điều trị nghiện cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn. Các đối tượng khác do cá nhân và gia đình người nghiện có trách nhiệm tham gia, đóng góp.
Sự thay đổi cách nhìn nhận đối với vấn đề nghiện ma túy quan trọng nhất chính là người nghiện ma túy trước đây bị coi là tệ nạn xã hội thì từ nay được coi là người bị bệnh mãn tính. Sự ứng xử với họ trước đây là trừng phạt, là cách ly xã hội, là cai nghiện bắt buộc, còn hiện nay thực hiện điều trị nghiện bằng nhiều hình thức khác nhau, chủ yếu là tự nguyện, nếu nghiện mà có những hành vi xấu ảnh hưởng đến xã hội thì điều trị nghiện bắt buộc thông qua xét xử và phán quyết của tòa án ma túy cấp huyện.
Đặc biệt, chương trình điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone đã được chứng minh là có hiệu quả không chỉ đối với người nghiện ma túy mà cả với gia đình, cộng đồng và xã hội. Tính đến tháng 4/2014, chương trình điều trị Methadone đã được triển khai tại 32 tỉnh, thành phố với 88 cơ sở điều trị cho 17.062 bệnh nhân. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều trị 30.850 bệnh nhân bằng thuốc Methadone trong năm 2014 và năm 2015 là 81.047 bệnh nhân. Mục tiêu điều trị Methadone cho hơn 81 nghìn bệnh nhân người nghiện ma túy đến năm 2015 là một mục tiêu rất quan trọng, đây là nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, của Bộ Y tế và 61 tỉnh thành được giao nhiệm vụ.
Ngọc Diệp
Nguồn daknong.gov.vn
[TT: TBC]