Quyết chiến với ma tuý để “trả nghĩa cho đời”

01/07/2014 Lượt xem: 244 In bài viết

Đã từng nghiện ma tuý nên Lê Trung Tuấn hiểu được sự nguy hại của ma tuý đối với con người, mong muốn góp sức chung tay phòng, chống ma túy và giúp đỡ những người không may mắc nghiện như một hành động “trả nghĩa cho đời”.

4.000 ngày quyết chiến với ma tuý

Anh Lê Trung Tuấn sinh năm 1977 tại thị trấn Hoà Mạc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Thoạt nhìn Lê Trung Tuấn bây giờ, không ai tin nổi cách đây 19 năm, anh là một kẻ nghiện ma túy với bảng “thành tích” khủng.

Lê Trung Tuấn là “độc đinh” trong một gia đình gia giáo, có truyền thống cách mạng. Bố là cán bộ quân đội, một cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từng là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Hòa Mạc; mẹ là bác sĩ Chủ nhiệm khoa Sản, Bệnh viện Duy Tiên.

Đua đòi với chúng bạn, ham thử cảm giác lạ, năm 1996, khi đang là một lớp trưởng của Trường Cao đẳng Quản trị kinh doanh, Tuấn sa vào ma tuý.

Để có tiền hút chích, Tuấn lừa dối bố mẹ hết lần này đến lần khác bằng các khoản học phí, học thêm, quỹ lớp… Khi bị bố mẹ phát hiện, Tuấn bỏ học, bỏ nhà đi lang thang kiếm tiền hút thuốc phiện, hít heroin, chích ma túy bằng cách hòa mình vào đám lưu manh, đánh bạn với trộm cắp, lừa lọc.

Ăn trộm xe đạp giữa ban ngày, bảo kê cho đám lưu manh lừa lọc hành khách ở các bến xe, kề dao vào cổ người đi đường để cướp của… là những việc mà Tuấn đã từng làm trong quãng đời nghiện ngập.

Từ một gia đình khá giả, sau khi Tuấn nghiện, cả nhà chỉ có còn duy nhất cái ti vi "tậm tịt" là giá trị. Ròng rã 6 năm, bố mẹ gửi anh đi hết trung tâm nọ đến trung tâm kia, tìm đủ mọi cách giúp anh cai nghiện nhưng không thành. Có những lần, Lê Trung Tuấn tái sử dụng ma tuý khi vừa ra khỏi Trung tâm được 15 phút.

Hiểu sự vất vả, khổ cực của ba mẹ, chịu sự kỳ thị của xã hội, nhưng cái ma lực của ma tuý khiến anh không thể dứt khỏi.

Một lần, rơi vào trạng thái tuyệt vọng, Tuấn đã tự vẫn để kết liễu cuộc đời mình. Nhưng Tuấn đã sống sót như một phép màu nhiệm. Có thể, niềm khát sống từ sâu thẳm tâm hồn anh đã níu kéo anh lại với cuộc đời.

Sau khi chết đi sống lại, Tuấn quyết tâm làm lại cuộc đời. Và từ đó đến nay, 13 năm anh không hề tái nghiện.

Lê Trung Tuấn chia sẻ, những năm tháng kinh hoàng bị ma tuý giày vò, đẩy xuống bùn đen kia với anh là sự ám ảnh suốt cuộc đời. Anh không thể quên dù là trong một giây, một phút.

13 năm là hơn 4.000 ngày anh quyết chiến với ma tuý, quyết chiến với chính bản ngã sân hận của cuộc đời mình để trở lại làm người theo đúng nghĩa của một con người. Anh làm việc không ngừng nghỉ để quên đi ma tuý. Anh đã vượt qua được cám dỗ của nó, vượt qua được cả những kinh khi, miệt thị của cuộc đời.

Ngày đó để cắt cơn anh tự mình đào những cái hố sâu hơn 3m trong vườn. Với sự quyết tâm của bản thân cùng sự thương yêu của gia đình, anh đã thành công.

Kiếm tiền bằng tất cả khả năng của mình để quay lại tuyên chiến với ma tuý là mục đích sống mới của Lê Trung Tuấn. Anh làm đủ mọi việc, từ chăn vịt, chạy xe ôm đến buôn bán xe may cũ. Dần dần có vốn, bố mẹ tin tưởng bán đất để hỗ trợ, anh mở rộng đầu tư sang buôn ô tô, bất động sản và sau đó thành lập được doanh nghiệp của riêng mình.

Tìm thấy "Nẻo về"

Đã từng nghiện, Lê Trung Tuấn hiểu rất rõ con đường mà một người nghiện ma tuý phải trải qua. Anh luôn trăn trở, làm thế nào để giúp cho hàng trăm nghìn người thoát được ma tuý. Bản thân đã từng tái nghiện nhiều lần, mỗi lần lại do một hoàn cảnh khác nhau đưa đẩy, Lê Trung Tuấn hiểu, muốn “cắt đứt” việc tái nghiện phải thay đổi phản xạ cho chính bản thân người nghiện.

Anh dành hẳn 6 năm để nghiên cứu về phương pháp thay đổi phản xạ cho người nghiện với sự giúp đỡ của các giáo sư hàng đầu trong nước và quốc tế. Anh miệt mài say sưa đến nỗi, chị gái anh, một Trung tá quân đội đành rời quân ngũ để thay anh cáng đáng việc công ty.

Đầu năm 2014, Lê Trung Tuấn thành lập Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy (PSD). Trung tâm là tổ chức khoa học được thành lập theo chứng nhận do Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cấp.

Trung tâm được thành lập nhằm giúp các cơ quan chức năng có thêm kênh thông tin chính xác về tâm lý người sử dụng ma túy, số lượng người sử dụng ma túy, từ đó đưa ra các chính sách phù hợp trong công tác phòng, chống ma túy và HIV.

Hoạt động của trung tâm tập trung vào 4 mục tiêu là tuyên truyền phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên; tuyên truyền để xã hội hiểu hơn về người sử dụng ma túy từ đó giảm bớt kỳ thị xã hội đối với người sử dụng ma túy; nâng cao hiểu biết, kỹ năng cho thân nhân người sử dụng ma túy nhằm giúp người sử dụng ma túy chống tái nghiện; nâng cao kỹ năng chống tái nghiện và kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho người sử dụng ma túy.

Trong 4 mục tiêu trên, mục tiêu tuyên truyền phòng, chống ma túy học đường và tuyên truyền để xã hội hiểu hơn về người sử dụng ma túy nhằm giảm bớt sự phân biệt, kỳ thị đối với người sử dụng ma túy là hai mục tiêu được đặc biệt quan tâm.

Lê Trung Tuấn cho biết, việc tuyên truyền phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên nếu không kịp thời và đồng bộ trên diện rộng bằng các hình thức tuyên truyền mới, chân thực và thường xuyên thì con số người sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên sẽ ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, tỉ lệ tái nghiện đối với người đã cai nghiện ma túy hiện rất cao. Qua 2 tháng khảo sát tại các Trung tâm Giáo dục xã hội, có tới 90% các học viên sau khi ra khỏi Trung tâm đều tái nghiện, có học viên tái nghiện đến 6, 7 lần. Vì vậy, việc đưa ra những giải pháp hiệu quả để giảm tỉ lệ tái nghiện cũng là việc rất cần thiết, trong đó tập trung các liệu pháp tâm lý và kỹ năng phòng, chống tái nghiện.

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã tuyên truyền nâng cao nhận thức về ma tuý cho gần 20.000 học sinh, sinh viên trên khắp cả nước; tập huấn kỹ năng phòng, chống ma tuý cho 5.000 phụ huynh học sinh. Hơn 5.000 phụ huynh có con em nghiện ma tuý cũng được tập huấn kỹ năng chống tái nghiện.

Ngoài PSD, Công ty cổ phần thương mại và du lịch Về nguồn của Lê Trung Tuấn cũng giúp đỡ, tạo việc làm cho hàng trăm người sau cai nghiện ma tuý.

Tự truyện “Nẻo về” của Lê Trung Tuấn, sau khi phát hành đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo độc giả, nhất là những người đã và đang sử dụng ma tuý.

Giới chuyên môn nhận định, “Nẻo về” là một cuộc chiến không cân sức, không khoan nhượng giữa Người và Ma, con ma có tên heroin, giữa hai con người trong một con người, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa đêm và ngày, giữa phần Người và phần Con. Có lúc Người thắng, có lúc Con thắng...

“Tôi hy vọng qua cuốn sách này cuộc đời sẽ bớt đi những thị phi, mặc cảm. Hãy đồng cảm với những người đã lầm lỗi, đặc biệt là người nghiện ma túy, trên Nẻo về thăm thẳm của họ. Vì trong sâu thẳm của trái tim, dù tội lỗi và cuồng quay với ma tuý kia thì họ vẫn còn là một con người. Hãy giúp họ để đánh thức phần người trong họ”, anh Lê Trung Tuấn tâm sự.

20.000 cuốn sách đã được Lê Trung Tuấn tặng cho học viên của các Trung tâm cai nghiện. 5000 người trong số đó đã phản hồi lại với sự quyết tâm từ bỏ ma tuý.

“Còn sống một ngày là một ngày quyết chiến với ma tuý” là lời đáp của Lê Trung Tuấn đối với cuộc đời.


Nhật Thy

Nguồn tiengchuong.vn

[TT: TBC]