Tái nghiện ma tuý và hậu quả của việc tái nghiện?

12/12/2013 Lượt xem: 1456 In bài viết

Đáp: Tái nghiện là hiện tượng của một người nghiện ma tuý sau khi được gia đình, chính quyền, các đoàn thể giúp đỡ, giáo dục, chữa trị cai nghiện để trở lại cuộc sống bình thường trong xã hội, nhưng vì một lý do nào đó họ đã không kìm chế được nên lại sử dụng các chất ma tuý.

Người nghiện ma tuý sau khi cai nghiện ma tuý lại tái nghiện bao giờ cũng nghiện nặng hơn. Thông thường những đối tượng nghiện hút, hít nếu tái nghiện thì chuyển sang sử dụng bằng hình thức tiêm chích.

Vì người nghiện ở tình thế thiếu tiền, sử dụng ma tuý bằng hình thức tiêm chích ít tốn kém mà mức độ thoả mãn lại cao. Hầu hết những người tái nghiện đều không nhận thức hoặc coi thường sự nguy hiểm của hình thức tiêm chích. Với hình thức tiêm chích, nguy cơ mắc bệnh rất lớn vì dùng ống bơm kim tiêm hoặc dùng chung lọ thuốc trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh.

Vì vậy, người nghiện ma tuý vốn có thể trạng yếu khi tái nghiện càng trở nên suy kiệt về thể chất. Qua điều tra ở một số địa bàn cho thấy 70 - 75% người tái, nghiện mắc các bệnh thư: lao, giang mai, sốt rét, 80% suy kiệt về thể chất, 70% số người nhiễm HIV là do tim chích ma tuý: Tái nghiện ma tuý dễ dẫn đến nguy hiểm về tính mạng cho người nghiện ma tuý. Do tình trạng không làm chủ được bản thân khi lên cơn nghiện mà chưa có ma tuý đáp ứng khiến người ta dễ bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc bị tử vong do sử dụng ma tuý quá liều.

Do tình trạng sức khoẻ suy sụp, người tái nghiện sẽ mất dần khả năng lao động và như vậy nếu có việc làm họ cũng rất dễ bị sa thải, khiến nguồn kinh tế thu nhập mất đi. Kết quả tất yếu là họ phải sa vào con đường phạm tội trộm cắp, cướp giật để có tiền chích hút ma tuý.

Tệ hại hơn, người nghiện vốn đã bị suy sụp về tinh thần, về trạng thái tâm lý lại càng suy sụp hơn trong tình trạng tái nghiện cùng với sự tẩy chay, kỳ thị của người thân, gia đình và cộng đồng. Từ đó, người tái nghiện càng trở nên mất niềm tin, dẫn đến mắc các sai lầm, thậm chí quẫn trí, bất cần đời.

Đối với gia đình có người tái nghiện:

- Thiệt hại nặng nề về kinh tế so với nghiện lần đầu.
- Chịu tổn thất lớn về tinh thần, tâm lý do bị cộng đồng xung quanh kỳ thị.

Các thành viên trong gia đình bị tổn thương về tinh thần do phải chịu sức ép tâm lý nặng nề, không khí gia đình căng thẳng, mất lòng tin với người nghiện, ảnh hưởng về kinh tế của người bị tái nghiện đối với cộng đồng cũng rất to lớn. Chưa kể đến việc sản phẩm lao động xã hội bị giảm sút, việc điều trị cai nghiện cho các đối tượng tái nghiện cũng là một gánh nặng lớn đối với xã hội. Tái nghiện là nghiện nặng hơn và vì vậy, phác đồ điều trị cai nghiện cũng phức tạp, khó khăn hơn rất nhiều so với cai nghiện lần đầu.

Chính vì vậy mà công tác cai nghiện cũng trở nên tốn kém hơn rất nhiều. Với số lượng người tái nghiện gia tăng, xã hội tất yếu sẽ phải gánh chịu hàng loạt vấn đề phức tạp khác như: mất trật tự an ninh xã hội, tội phạm gia tăng, các tệ nạn xã hội khác trở nên nghiêm trọng hơn.

 

Nguồn lamdong.gov.vn

[TT: TBC]