Gian nan đường hoàn lương

10/07/2013 Lượt xem: 238 In bài viết

“Nóng” vì tệ nạn ma túy

Những năm trước, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Sìn Hồ vốn chỉ biết làm nương, ruộng để mong ước đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu. Cuộc sống bình yên, phẳng lặng là hình ảnh quen thuộc ở khắp các bản, làng. Thế rồi nhiều bãi vàng khai khác trái phép hình thành thu hút hàng trăm thanh niên tham gia lao động. Những tưởng có việc làm sẽ có thu nhập, đời sống kinh tế gia đình sẽ khá hơn nhưng nhiều thanh niên đã không làm chủ được bản thân và mắc nghiện ma túy. Cuộc đời họ đã đổi sang ngã rẽ tối tăm, mù mịt khi làm bạn với “cái chết trắng”.

Các điểm “nóng” nổi lên gần đây là xã Phăng Sô Lin, Tả Phìn, Noong Hẻo và thị trấn huyện Sìn Hồ. Tại nhiều bản, làng như: Lồ Tồ Phìn (Tả Phìn), Hoàng Hồ (Phăng Sô Lin), Nậm Há I, II (Noong Hẻo), bản Dao (thị trấn Sìn Hồ), mỗi năm ma túy đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người mà đa số là thanh niên trong độ tuổi lao động hoặc trụ cột gia đình ở nơi đây.

Nhiều gia đình chỉ trong một năm có tới vài mạng người phải ra đi vì ma túy và HIV/AIDS. Có gia đình cả hai bố mẹ đều chết vì ma túy hoặc rơi vào vòng lao lý khi tham gia buôn bán ma túy, để lại những đứa con thơ dại. Ma túy khiến không ít gia đình khánh kiệt về kinh tế và suy sụp về tinh thần, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội như: cờ bạc, trộm cắp…

Về các bản Lồ Tồ Phìn, bản Dao, bản Hoàng Hồ những ngày này, không khí u ám bao trùm từ đầu bản tới cuối bản, vì hầu hết chỉ có người già, phụ nữ và trẻ em ở nhà. Đàn ông ở các bản này đa phần mắc nghiện ma túy và rơi vào vòng lao lý. Mấy năm trở lại đây đã có tới vài chục đàn ông bị bắt vào tù vì buôn bán ma túy. Điều đó cũng đồng nghĩa có vài chục phụ nữ là vợ của họ phải sống đơn thân nuôi con một mình và kéo theo đó là hàng trăm đứa trẻ phải vắng bóng sự chăm sóc của người cha. Không ít đứa trẻ phải bỏ học do đói ăn thiếu mặc, như trường hợp của cậu bé Chẻo A Lồng ở bản Hoàng Hồ, Chẻo Lò Tá bản Dao là những ví dụ điển hình cho những mảnh đời bất hạnh vì ma túy.

Đường về mù mịt

Trước thực trạng trên, Đảng bộ, chính quyền huyện Sìn Hồ đã chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương quyết liệt vào cuộc, vận động nhân dân tích cực phòng, chống ma túy; mặt khác đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy, tập trung giáo dục, cảm hóa người nghiện để họ đi cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng. Bằng chứng là một khuôn viên rộng tại xã Xà Dề Phìn đã được huyện dành riêng cho xây dựng công trường chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội đã được đưa vào hoạt động cuối năm 2011. Nỗ lực đó đã được đền đáp khi từ năm 2012 đến nay huyện đã tổ chức cai nghiện cho 149 đối tượng tại cộng đồng, Trung tâm 05 – 06 tỉnh, Trung tâm chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội huyện.


Ngoài thời gian chữa trị tại Trung tâm, các học viên luyện tập thể thao nâng cao sức khỏe. 

Trung tuần tháng 5, chúng tôi tìm đến Trung tâm chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội huyện Sìn Hồ tại xã Xà Dề Phìn. Dù đưa vào hoạt động được gần 2 năm và đã tổ chức tiếp nhận cai nghiện 2 đợt cho 59 đối tượng nhưng Trung tâm vẫn thiếu thốn trăm bề. Hiện mới chỉ có 3 dãy nhà dành cho học viên, cán bộ và nhà bếp. Để đảm bảo điều kiện ăn ở cho học viên, Trung tâm đã chuyển toàn bộ khu nhà bếp dành làm nơi ở cho học viên, vậy mà mỗi phòng chừng hơn 30m2 cũng phải chứa tới 12 người. Bếp nấu được Trung tâm dùng bạt quây tạm và tổ chức ăn uống cho học viên tại phòng ở.

Ông Nguyễn Xuân Quyết – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Khó khăn nhất vẫn là kinh phí ăn uống của các học viên. Theo quy định, mỗi học viên được Nhà nước hỗ trợ 15 nghìn đồng tiền ăn một ngày, nhưng với giá cả đắt đỏ hiện nay thì Trung tâm chỉ có thể lo được cho học viên no bụng thôi chứ không thể đảm bảo chất. Để có thêm thu nhập, các học viên sau khi được chữa bệnh cắt cơn được cán bộ Trung tâm dẫn ra ngoài làm nương, đào mương thuê cho dân. Tuy nhiên công việc cũng chẳng có nhiều và ngày công lao động chỉ khoảng 80 nghìn đồng/ngày.

Việc cai nghiện tại cộng đồng cho các đối tượng nghiện ma túy hàng năm cũng gặp không ít khó khăn. Do các địa phương thiếu cơ sở vật chất nên chính quyền huyện Sìn Hồ thường tổ chức cai cho các đối tượng trong dịp hè để mượn phòng học của các nhà trường. Ngoài cán bộ y tế đã được tập huấn nghiệp vụ điều trị nghiện ma túy, còn lại phần lớn các cán bộ khác của tổ công tác cai nghiện là cán bộ được triệu tập từ các tổ chức như: Công an, cán bộ lao động xã hội, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… chưa được đào tạo chút nào về nghiệp vụ này.

Những điểm “nóng” về tệ nạn ma túy vẫn chưa “nguội” thì tình trạng buôn bán ma túy vẫn ngày ngày âm thầm diễn ra. Công tác cai nghiện cho các đối tượng lầm lỗi dù đã được chính quyền các cấp địa phương huyện Sìn Hồ quan tâm vào cuộc, song con đường hoàn lương của người nghiện ma túy vẫn còn lắm gian nan; bởi công tác quản lý sau cai đối với người cai ở Trung tâm về địa phương, lẫn người cai nghiện tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn khi không được học nghề và tạo việc làm.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện Sìn Hồ, hiện trên địa bàn huyện có 694 đối tượng mắc nghiện ma túy và xuất hiện ở hầu hết các xã, thị trấn. Địa phương có số lượng đối tượng nhiều nhất là: Tả Phìn: 94 đối tượng, Noong Hẻo: 82 đối tượng, Phăng Sô Lin: 87 đối tượng, thị trấn: 136 đối tượng…


Nguồn: Báo Lai Châu

[TT: TBC]