Thiết thực mô hình cai nghiện vùng biên

10/07/2013 Lượt xem: 353 In bài viết

Áp dụng phương châm "mưa dầm thấm lâu"

Trong những năm gần đây, được Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp quan tâm đầu tư hỗ trợ, nên đời sống người dân nơi biên giới của tỉnh từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn, học vấn đa phần còn thấp, phong tục tập quán lạc hậu, các tệ nạn xã hội vẫn tồn tại, đặc biệt là nghiện ma tuý, chủ yếu là nghiện thuốc phiện. Đáng chú ý, những người nghiện ma tuý thường là những trụ cột trong gia đình hoặc đang trong độ tuổi lao động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân nảy sinh các loại tội phạm, gây mất trật tự ở khu vực biên giới.

Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Lai Châu đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và xã hội của tỉnh lên kế hoạch thí điểm tổ chức lớp cai nghiện tại một số đồn biên phòng. Nhưng để người nghiện ma tuý tham gia chương trình này quả không dễ. Lúc đầu các chiến sĩ biên phòng vào bất cứ nhà nào để tuyên truyền, vận động người dân ra đăng ký cai nghiện họ đều tìm cách tránh mặt, ai nể quá thì tiếp qua loa rồi bảo cán bộ về để gia đình còn phải... đi làm nương. Một lần không gặp thì đến hai lần, ba lần, sáng, trưa hay chiều tối bóng dáng người lính biên phòng luôn thường trực ở các bản. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, sau một thời gian kiên trì vận động nhiều người nghiện đã nghe ra lẽ phải, theo cán bộ biên phòng về đồn tham gia lớp cai nghiện.

Kinh phí điều trị cho một người nghiện là trên một triệu đồng (nguồn kinh phí do Sở Lao động, Thương binh và xã hội đảm nhận). Các đối tượng tham gia cai nghiện được ăn ở, sinh hoạt và điều trị ngay tại các đồn biên phòng. Với một phác đồ điều trị cụ thể, khoa học, kết hợp đồng thời giữa dùng thuốc Cedemex với lao động và rèn luyện thể lực (4 ngày đầu uống thuốc cắt cơn, những ngày kế tiếp quản lý theo dõi, chăm sóc phục hồi chức năng), sau 20 ngày các đối tượng nghiện đã cắt được cơn.

Những ngày đầu mới triển khai, nhiều người không dám tin là sẽ đạt được kết quả như mong muốn. Có người còn lo ngại việc làm của các anh giống như “bắt cóc bỏ đĩa” khi thấy đồn biên phòng vừa thiếu nhân lực, vừa thiếu cơ sở vật chất so với các cơ sở cai nghiện tập trung của huyện, của tỉnh... Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng hết sức quan tâm tháo gỡ, các phòng, ban chuyên môn cùng xắn tay tạo điều kiện, tùy theo khả năng của mỗi đơn vị.

Dưới sự giám sát của Ban Chỉ huy các đồn biên phòng, hoạt động cai nghiện bước đầu đã đem lại hiệu quả rất tích cực. Những ngày đầu tham gia lớp cai nghiện, những người nghiện hết sức bỡ ngỡ với nề nếp sinh hoạt trong quân đội. Nhưng chính sự tận tình, gần gũi và hoà đồng của những người lính biên phòng đã nhanh chóng cuốn hút các đối tượng vào môi trường mới; giúp họ dần quên đi sự giày vò của những cơn nghiện, hăng hái tham gia vào các hoạt động văn hoá, thể thao do đồn tổ chức. Hầu hết số người tham gia cai nghiện bước đầu đoạn tuyệt được với nàng tiên nâu.

“Em không đi tiếp con đường xấu ấy nữa”

Một trong số những người nghiện đã tham gia cai nghiện thành công tại đồn biên phòng, anh Vàng Văn Đại ở bản Mỏ, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, đã trở thành một trong những thanh niên làm kinh tế giỏi của bản. Sức trẻ cộng với lòng quyết tâm lập nghiệp đã giúp anh chiến thắng được sự quyến rũ của ma tuý, tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình bằng cách chăn nuôi, đào ao thả cá, mở mang diện tích canh tác lúa nước.


BĐBP Lai Châu phổ biến nội quy, quy chế và cách thức cai nghiện cho các đối tượng. 

Đối với anh Đại, những ngày tháng đắm chìm trong làn khói nâu đã trở thành một quá khứ đau buồn. Anh lao vào lao động miệt mài như để bù đắp cho những lỗi lầm đã gây ra cho bản thân và vợ con, anh phấn đấu xây dựng cho mình một tương lai tươi sáng hơn cho gia đình. Đại tâm sự: “Em đã cai được hơn 5 năm rồi, giờ chỉ ở nhà chăn nuôi và đi làm giúp đỡ vợ con. Em không biết phải cảm ơn các anh biên phòng như thế nào, em không đi tiếp con đường xấu ấy nữa...”.

Qua khảo sát của chính quyền địa phương và lực lượng BĐBP tỉnh Lai Châu, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn biên giới của tỉnh hiện vẫn còn trên 600 người nghiện ma tuý. Nhằm làm tốt công tác phòng ngừa, giảm cầu về ma tuý, ngăn chặn nguồn gốc tội phạm nói chung và tội phạm ma tuý nói riêng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã cùng với các cơ quan hữu quan tiếp tục nhân rộng mô hình cai nghiện ma tuý tại các đồn biên phòng trên toàn tuyến biên giới của tỉnh. Từng bước loại trừ tệ nạn ma tuý ra khỏi cuộc sống cộng đồng các dân tộc ở khu vực biên giới, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng biên giới Lai Châu vững mạnh về mọi mặt.

Đánh giá về kết quả, Đại tá Nguyễn Văn Tuất - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Lai Châu, cho biết: Qua 6 năm thực hiện mô hình cai nghiện, từ việc lựa chọn người vào cai nghiện tại đồn biên phòng và bố trí quản lý sau khi cai, đến nay số đối tượng được cai nghiện đã cắt được cơn, ổn định cuộc sống và tái hòa nhập cộng đồng. Tình hình an ninh, trật tự ở những bản có đối tượng nghiện đã ổn định hơn, trên địa bàn 23 xã biên giới đã có 6 xã không còn tệ nạn nghiện ma tuý. Đây là mô hình cần được nhân rộng”.

Cai nghiện thuốc phiện, đấu tranh với tội phạm ma tuý là những việc làm hết sức nhân văn, nhân đạo, góp phần tạo sự thay đổi nhận thức của một bộ phận nhân dân ở các xã vùng cao biên giới. Để làm được điều đó có một phần không nhỏ của những người lính biên phòng Lai Châu – họ đang ngày đêm vững tay súng bảo vệ miền biên cương Tổ quốc.

Nguồn: Báo Lai Châu

[TT: TBC]