Anh P.V.H, một người nghiện ở phường Trường Thi, TP.Nam Định, sau khi cai nghiện bằng thuốc Methadone cho biết, đến nay anh đã hoàn toàn đoạn tuyệt với ma túy. Vợ con sau khi theo dõi mấy tháng, thấy anh bỏ được ma túy nên đã đầu tư một cửa hàng ăn để anh làm lại cuộc đời.
Còn anh L.V.L, một người đang cai nghiện ở cơ sở điều trị Methadone của TP.Nam Định xác nhận, phương pháp cai này không đau đớn, vật vã. Người nghiện chỉ phải đến uống thuốc mỗi ngày một lần và có thể chủ động về thời gian cai nghiện của mình, không phải đi cai tập trung. Sau 6 tháng, anh đã dứt cơn, không còn phải bỏ hàng trăm nghìn mỗi ngày để mua heroin.
Theo ông Vũ Văn Lợi, Phó giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Nam Định, tỉnh này thí điểm phương pháp dùng thuốc thay thế Methadone từ cuối năm 2011. Hiện nay, tại Nam Định đang có 4 cơ sở cai nghiện bằng thuốc Methadone đặt tại các huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh và TP.Nam Định với 865 người đã tham gia cai nghiện. Kinh phí về thuốc và phục vụ cai nghiện đang được các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ 100%.
Kết quả điều trị theo phương pháp mới này rất khả quan. Trong 865 người nghiện, đã có 83% bỏ ma túy sau 3 tháng, 95% bỏ ma túy sau 6 tháng; đến tháng thứ 9, số người vẫn phụ thuộc vào ma túy chỉ còn 2,5%.
Tình trạng sức khỏe của người nghiện được cải thiện rõ rệt. Có tới hơn 70% số bệnh nhân đã tăng ít nhất 2 kg sau 3 tháng điều trị.
“Đặc biệt, giá thành cai nghiện bằng thuốc Methadone rất rẻ so với các phương pháp cai nghiện hiện hành, nếu tính thuốc thì mỗi người chỉ mất trên 20.000 đồng cho mỗi ngày cai”, ông Lợi cho biết.
Chính từ kết quả trên, giữa tháng 5 vừa qua, UBND Nam Định đã đồng ý với đề nghị của Sở Y tế về việc mở rộng đối tượng cai nghiện bằng thuốc Methadone.
Cụ thể, từ tháng 8/2013, Nam Định sẽ triển khai việc cai nghiện bằng thuốc Methadone tại các cơ sở công lập của tất cả 10 huyện, thành phố. Mức thu phí là 100%, với giá 23.000 đồng/ngày/người cai; bệnh nhân diện nghèo, thương binh, đối tượng nhận trợ cấp xã hội được giảm 30%.
Tuy nhiên, không ít người nghiện cho rằng việc phải viết đơn, có dấu xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn nơi cư trú mới được tham gia cai nghiện bằng Methadone như quy định là không phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Luyến (P.Trường Thi, TP.Nam Định), bày tỏ: “Nếu đã coi cai nghiện bằng Methadone là tự nguyện thì chỉ cần thỏa thuận giữa gia đình và cơ sở y tế là đủ. Tôi cho là sẽ rất ít người có con em nghiện hút dám lên xin dấu ở UBND phường, xã vì sợ mang tiếng, sợ chính quyền sẽ lập hồ sơ để quản lý, hoặc bắt đi cai tập trung. Như thế, việc mở rộng đối tượng tiếp cận chương trình này sẽ bị hạn chế”.
Về vấn đề này, bà Bùi Thị Minh Thu, Giám đốc Sở Y tế Nam Định, thừa nhận, dù biết như vậy, nhưng ngành Y tế Nam Định vẫn phải thực hiện vì đây là thủ tục bắt buộc trong quy định của Nghị định 96 về việc điều trị nghiện tại các cơ sở y tế công lập.
Còn ở các cơ sở cai nghiện bằng thuốc Methadone, các y, bác sĩ cho rằng việc thu phí bệnh nhân ở mức 23.000 đồng/người/ngày là mới chỉ tính tiền thuốc, chưa có tiêu hao vật tư, chi phí khác.
Chỉ đạo của UBND Nam Định là tiết kiệm tối đa chi phí đầu tư cho việc cai nghiện bằng thuốc Methadone.
Từ đó, việc chưa có chế độ phụ cấp sẽ làm các nhân viên y tế không yên tâm làm việc trong môi trường nguy hiểm vì phải thường xuyên tiếp xúc với người nghiện.
Ngược lại, nếu thu thêm tiền của người cai nghiện thì cũng không khuyến khích được họ tham gia dự án.
Nguồn Thanh Niên
[TT: TBC]