Kinh nghiệm phòng, chống ma tuý tại Ma-rốc
26/11/2012 Lượt xem: 379 In bài viếtChính phủ Ma–rốc đang phối hợp chặt chẽ với các nước châu Âu chống lại nạn buôn lậu ma tuý và triển khai chiến dịch ngăn chặn trồng cần sa, nâng cao nhận thức phòng, chống ma tuý cho người dân. Báo cáo năm 2011 của Uỷ ban kiểm soát ma tuý quốc tế (INCB) cho biết, Ma-rốc là một trong những quốc gia sản xuất cần sa lớn nhất khu vực Bắc Phi, đồng thời là nguồn cung chủ yếu nhựa cần sa vào thị trường Tây Âu.
Theo kết quả điều tra mức độ sử dụng ma tuý học đường tại Ma-rốc do mạng lưới y tế khu vực Địa trung hải MedNET tiến hành, trong năm 2009-2010 có 7,2% học sinh Ma-rốc ở độ tuổi từ 15-17 đã từng sử dụng cần sa hoặc các sản phẩn làm từ cần sa, 1,5% sử dụng cocaine và 4,3% sử dụng các chất hướng thần sai quy định…
Ma tuý cũng là một trong những nguyên nhân lây truyền HIV tại Ma rốc. Tại khu vực ven biển phía đông bắc thành phố Nador, 1/5 số người tiêm chích ma túy xét nghiệm kết quả dương tính với HIV.
Trước tình hình ma tuý diễn biến phức tạp, từ năm 1999 Chính phủ Ma-rốc đã cho xây dựng 4 trung tâm cai nghiện ma tuý trên phạm vi cả nước. Năm 2011 tiếp tục xây dựng thêm 2 trung tâm đồng thời tăng cường đào tạo đội ngũ y bác sỹ tại các cơ sở cai nghiện.
Chính phủ cũng khuyến khích thành lập các tổ chức, nhóm hoạt động tuyên truyền cho học sinh và nhân dân về tác hại của ma tuý. Bắt đầu từ năm 2010, Ma-rốc áp dụng chương trình điều trị cai nghiện thay thể bằng Methadone. Theo đó Ma-rốc là quốc gia đầu tiên tại Châu Phi cho phép sử dụng methadone để điều trị nghiện ma tuý.
Chính quyền Ma-rốc cũng đã đề ra một số chiến dịch như ngăn chặn việc trồng cần sa và nâng cao nhận thức cho người nông dân. Năm 2012 đã có 9,4 nghìn ha diện tích đất trồng cần sa bất hợp pháp bị thu hồi.
Ma-rốc cũng tăng cường thực thi pháp luật về ma tuý dựa trên các phương pháp tiếp cận từng bước, thực hiện dự án thay thế cây trồng, tạo công ăn việc làm mới cho người dân. Ước tính tổng kinh phí dự án lên đến 116 triệu USD.
Pháp luật Ma-rốc quy định, đối với các hoạt động buôn bán, phổ biến ma tuý bất hợp pháp có thể chịu mức hình phạt tối đa là 30 năm tù giam, phạt tiền từ 20-80 nghìn USD.
Ma-rốc cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề hợp tác quốc tế phòng, chống ma tuý. Đất nước Bắc Phi này đã tham gia Công ước chống vận chuyển ma tuý trái phép và các chất hướng thần năm 1988. Bên cạnh đó, Chính phủ Ma-rốc phối hợp chặt chẽ với chính quyền Châu Âu như Pháp và Tây Ban Nha chống lại nạn buôn lậu ma tuý.
Ngọc Thúy
Theo tiengchuong.vn
[TT: TBC]