“Thuốc điều trị duy trì” – cai nghiện heroin
08/08/2012 Lượt xem: 286 In bài viếtCũng như nhiều nơi trên thế giới, ở nước ta người nghiện ma túy thường sử dụng heroin (còn gọi là bạch phiến, “hàng trắng”). Heroin là loại ma túy “mạnh”, gây nghiện rất nhanh, chỉ dùng thử một lần là có thể bị nghiện và khi đã nghiện, nếu ngưng sử dụng sẽ bị “hội chứng cai thuốc” rất nặng nề và cơn vật vã trầm trọng hơn so với một số ma túy khác. Vì vậy, trong phương cách cai nghiện hiện nay, đặc biệt cai nghiện heroin, người ta thường phải dùng thuốc gọi là “thuốc điều trị duy trì” (maintenance drug).
THẾ NÀO LÀ “THUỐC ĐIỀU TRỊ DUY TRÌ”?
Thực chất, thuốc điều trị duy trì cũng bắt nguồn từ ma túy, được tổng hợp theo phương pháp hóa học làm thay đổi cấu trúc hóa học của morphin (là chất được trích từ thuốc phiện) để tạo tác dụng tương tự hoặc đối kháng với ma túy. Khi được sử dụng, để có tác dụng, ma túy phải gắn vào thụ thể (receptor) của nó trong cơ thể. Như morphin gắn vào thụ thể morphin ở hệ thần kinh sẽ cho tác dụng giảm đau, khoái cảm và gây nghiện. Heroin là ma túy mạnh vì gắn vào thụ thể rất chặt (gọi là chất chủ vận mạnh - strong agonist).
Có loại ma túy gắn vào thụ thể lỏng lẻo (được gọi là chất chủ vận từng phần - partial agonist) hoặc gắn vào thụ thể, vừa cho tác dụng chủ vận vừa cho tác dụng đối kháng (agoinst - antagonist), hoặc hoàn toàn cho tác dụng đối kháng (antagonist). Các thuốc cai nghiện ma túy là thuốc có thể sử dụng bằng đường uống hoặc ngậm dưới lưỡi cho tan, được hấp thu và cho tác dụng khá nhanh, gắn vào thụ thể một cách lỏng lẻo hoặc cho tác dụng đối kháng để gây nghiện ít hơn và gây lờn thuốc (tolerance) thuộc loại chậm. Dùng lâu dài loại thuốc này cũng bị nghiện nhưng khi ngưng thuốc, người nghiện ít bị hội chứng cai thuốc vật vã dữ dội hơn. Tóm lại, thuốc cai nghiện ma túy được đề cập ở đây là ma túy loại nhẹ, nhờ tính chất “nhẹ” này mà nó được dùng để thay thế và giảm nhẹ rối loạn gây ra do ngưng loại ma túy mạnh như heroin.
Sử dụng thuốc cai nghiện “duy trì” và “thay thế” có hai lợi điểm sau:
1. Hạn chế sự lây lan HIV/AIDS: Người nghiện ma túy thường thay đổi phương cách sử dụng ma túy để gia tăng khoái cảm, sau cùng thường dùng đường tiêm chích vì nhiều ma túy dùng đường này mới cho tác dụng nhanh và “phê” nhất. Người nghiện ma túy, đặc biệt với người đã bị nhiễm HIV, thay vì tiêm chích, nếu đổi sang uống (dạng viên hay dung dịch) hoặc ngậm dưới lưỡi, rõ ràng sẽ giảm thiểu được sự lây lan bệnh do trao đổi bơm kim tiêm. Nên lưu ý, không chỉ có HIV mới lây qua đường tiêm chích mà các tác nhân gây bệnh khác như siêu vi gây viêm gan B, C cũng lây nhiễm qua đường này.
2. Gây “Hội chứng cai thuốc” nhẹ hơn so với một số ma túy khác: Một đặc tính cơ bản của ma túy là gây nên sự lệ thuộc về mặt thể chất và tâm thần. Khi đã bị lệ thuộc, người nghiện không thể từ bỏ ma túy, nếu ngưng sử dụng sẽ bị rối loạn cơ thể, gây nên cơn vật vã mà giới chuyên môn y dược gọi là “hội chứng cai thuốc”. Chính nỗi lo sợ đau đớn do hội chứng này mà người nghiện phải tìm cách tiếp tục sử dụng ma túy dù phải gây tội ác. Loại ma túy như heroin gây “Hội chứng cai thuốc” rất nặng nề. Người nghiện heroin nếu đột ngột bỏ thuốc sẽ bị vật vã dữ dội vì thời gian tác dụng của heroin ngắn, khi ngưng dùng thuốc, tình trạng thiếu thuốc sẽ đến rất sớm và xuất hiện “hội chứng cai thuốc” ngay khi cơ thể người nghiện còn chưa kịp thích ứng với sự giảm tác dụng thuốc quá nhanh và tình trạng thiếu thuốc đến quá sớm. Đối với một số ma túy như methadone thì khác, thời gian tác dụng của nó dài. Đặc biệt, khi vào máu, phần lớn methadone liên kết với protein huyết tương sẽ giải phóng dần dần để cho tác dụng kéo dài. Cho nên, khi ngưng dùng methadone, sự thiếu thuốc không đột ngột, cơ thể thích ứng với sự giảm dần tác dụng nên không xảy ra “Hội chứng cai thuốc” quá trầm trọng. Chính tính chất này làm người ta nghĩ đến việc cai nghiện heroin bằng methadone. Thay vì bắt người nghiện ngưng ngay sử dụng heroin, sẽ cho chuyển qua dùng thay thế methadone. Khi người nghiện đã quen dùng methadone thì liệu pháp thay thế này sẽ giúp họ không bị hội chứng cai thuốc heroin hành hạ, dễ chấp nhận cai nghiện và hy vọng không bị tái nghiện.
MỤC ĐÍCH CỦA LIỆU PHÁP THAY THẾ
Từ 2 lợi điểm kể trên, liệu pháp thay thế bằng thuốc duy trì đã được sử dụng với hai mục đích là: Hạn chế sự lây lan HIV/AIDS và giúp người nghiện ma túy hòa nhập với cuộc sống. Người nghiện theo chương trình này không hoàn toàn từ bỏ ma túy, mà chỉ thay việc sử dụng ma túy bằng đường tiêm chích và có tính chất gây nghiện dữ dội như heroin bằng thuốc cai nghiện dạng uống hay ngậm; Do đó sẽ giảm thiểu nguy cơ lây truyền các bệnh do tiêm chích. Hơn thế nữa, việc uống hay ngậm vào thời điểm cố định trong ngày sẽ giúp người nghiện có thể sinh hoạt, lao động bình thường; Thuốc cai nghiện được cung cấp với giá rẻ hay miễn phí nên họ không phải gây tội ác để kiếm đủ tiền trang trải việc mua thuốc.
Các thuốc cai nghiện và giải độc ma túy
Hiện nay, trên thế giới có 3 thuốc dùng để cai nghiện ma túy. Đó là:
1. Methadone: Đây là thuốc chủ vận mạnh nhưng lại cho tác dụng kéo dài và được dùng bằng đường uống (lợi điểm đã được đề cập ở trên). Dùng liều uống 5-10mg mỗi lần, dùng 2-3 lần một ngày và trong 2-3 ngày. Methadone được dùng giải độc cho người nghiện heroin. Sau một thời gian thay thế heroin, người ta sẽ ngưng cho dùng methadone và gây “Hội chứng cai thuốc” nhẹ nhàng mà người nghiện chấp nhận được.
2. Buprenorphine: Đây là thuốc chủ vận từng phần, với 96% gắn với protein huyết tương nên cho tác dụng kéo dài. Buprenorphine được ghi nhận không gây tác dụng phụ ức chế hô hấp và rất ít gây nghiện so với methadone. Buprenorphin được sử dụng làm thuốc cai nghiện ma túy ở một số nước châu Âu, đặc biệt là Pháp. Dùng liều 6-8mg buprenorphine ngậm dưới lưỡi tương đương với liều 60mg methadone. Gần đây, do tính hiệu quả của buprenorphine trong cai nghiện heroin, nhiều bác sĩ và những nhà phòng chống ma túy ở châu Âu đã kiến nghị với WHO không chuyển đổi buprenorphine từ thuốc hướng thần (psychotropic) sang thuốc gây nghiện (narcotic), nhằm giúp việc cai nghiện dễ dàng hơn.
3.Naltrexone: Đây là thuốc có tác dụng đối kháng và đã được dùng làm thuốc giải độc khi ngộ độc ma túy liều cao (trong đó có heroin). Dùng bằng đường uống, naltrexone hấp thu tốt và cho tác dụng kéo dài. Với liều 100mg, thời gian bán thải khoảng 14 giờ, naltrexone khóa tất cả tác dụng của việc tiêm heroin hoặc hít heroin đến 48 giờ./.
Nguồn: lamdong.gov.vn
[TT: TBC]