Giúp người nghiện thoát nghiện

30/11/2011 Lượt xem: 549 In bài viết
Tuy nhiên, thời gian gần đây, phương pháp điều trị đối kháng nghiện hêrôin bằng naltrexone (nan-trê-xôn) đã được đưa vào áp dụng tại đơn vị nghiên cứu điều trị nghiện ma túy (thuộc Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia). Bước đầu, phương pháp này cho những kết quả khả quan, giúp nhiều người nghiện thoát khỏi ảnh hưởng của ma túy.

Nan-trê-xôn là chất đối kháng với các chất dạng thuốc phiện, được áp dụng trên thế giới từ năm 1973 để loại trừ “trạng thái phụ thuộc về mặt tâm thần” (thèm cảm giác sảng khoái) của những người nghiện. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, cơ chế hoạt động của chất này là “tác động vào hệ thần kinh trung ương, tìm đến các thụ thể của các chất dạng thuốc phiện, cạnh tranh với chất dạng thuốc phiện chủ vận ấy rồi đẩy nó ra ngoài hoặc triệt tiêu tác dụng của nó ngay tại thụ thể”. Phương pháp này đặc biệt cho kết quả cao đối  với những người có động cơ và quyết tâm cai nghiện lớn (điều trị để tiếp tục được học, được làm việc).

Mỗi tuần bệnh nhân (người nghiện) phải đến bệnh viện 3 lần (thứ hai, tư, sáu) để uống thuốc. Bệnh nhân không được phát thuốc về nhà mà phải uống thuốc dưới sự giám sát của bác sĩ điều trị. Ưu điểm của cách điều trị này là hiệu quả chống tái nghiện cao, bệnh nhân không thể tái nghiện được nếu vẫn uống nan-trê-xôn. Sau khi điều trị, chức năng tâm lý và chức năng lao động của bệnh nhân được phục hồi nhanh. Người bệnh không còn cảm giác thèm hêrôin. Điều đáng chú ý là chi phí điều trị thấp hơn rất nhiều so với những phương pháp khác. Tiếp xúc với chúng tôi, anh Nguyễn Văn T, nhân viên công ty H đang điều trị tại Viện Sức khoẻ tâm thần quốc gia cho biết: “Mặc dù mới điều trị có vài tháng nhưng tôi thấy có hiệu quả rõ rệt. Do chỉ điều trị trong 3 ngày một tuần, nên tôi vẫn được vừa làm việc vừa chữa bệnh, sống hòa nhập cùng cộng đồng”. Tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, từ tháng 5-2002, thời điểm bắt đầu áp dụng phương pháp này, đến nay 600 bệnh nhân đã được điều trị. Bệnh nhân được điều trị theo từng đợt, mỗi đợt tối thiểu 6 tháng. Thời gian điều trị dài ngắn  tùy theo tiên lượng của thầy thuốc và mức độ nghiện thuốc của từng bệnh nhân.

Nan-trê-xôn hiện có sẵn ở Việt Nam với tên thương mại Abernin do Cty Dược phẩm Medochemie (Cộng hòa Séc) sản xuất. Thuốc  có dạng viên, mỗi viên 50mg, mỗi hộp 50 viên, được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu. Tuy nhiên, bệnh nhân không được tùy tiện dùng khi chưa có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Đặc điểm dược lý chính của nan-trê-xôn là hấp thu nhanh qua đường uống, chuyển hóa ở gan thành 6-b-naltrexol và thời gian bán hủy của chất này khoảng 10 giờ. Gần 20% chất chuyển hóa hoạt động liên kết với Protêin huyết tương và được phân bố với số lượng lớn ở não, mô mỡ, lách, tim, tinh hoàn, thận và nước tiểu. Nan-trê-xôn và 6-b-naltrexol sau khi được hấp thu ở ruột và gan sẽ được bài tiết chủ yếu qua thận. Theo các nhà chuyên môn, tác dụng phụ của thuốc không đáng kể. ở một số trường hợp xuất hiện tình trạng mất ngủ, lo âu, đau đầu, buồn nôn, nôn, đau bụng, đau cơ khớp.

Phương pháp này có độ an toàn cao đối với những người tuyệt đối tuân thủ quy trình điều trị. Còn đối với những đối tượng nghiện không có quyết tâm cao, nếu trong quá trình điều trị mà vẫn lén lút sử dụng ma túy (hêrôin) thì có thể gây ngộ độc thuốc phiện cấp và dẫn đến tử vong. Thực tế điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia cho thấy, bằng việc kết hợp với các liệu pháp tâm lý, phương pháp điều trị đối kháng nghiện hêrôin bằng nan-trê-xôn đã cho hiệu quả rõ rệt. Kết quả điều trị này đã được báo cáo tại các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế. Đa số các nhà khoa học đều thống nhất rằng, sau khi điều trị bằng nan-trê-xôn, tỉ lệ bệnh nhân cai nghiện bỏ cuộc giữa chừng giảm, các hành vi có nguy cơ cao (tiêm chích ma túy, tình dục không an toàn) ngừng hẳn sau một tháng điều trị. Các hành vi sai phạm trong gia đình (nói dối để có tiền, lấy tiền của gia đình, cưỡng ép người thân để có tiền…) bị loại trừ hoàn toàn, các chức năng được dần phục hồi và trở về trạng thái bình thường.

Với những hiệu quả ban đầu, hy vọng phương pháp này sẽ làm vơi đi nỗi đau của những gia đình có con em bị nghiện, mang lại cuộc sống bình thường cho hàng trăm người nghiện muốn thoát nghiện.

Báo Hà Nội mới