Một mô hình hay trong điều trị nghiện các chất ma túy tổng hợp nhóm ATS
29/11/2011 Lượt xem: 728 In bài viếtHiện nay, mặc dù còn thiếu những con số chính xác về số người nghiện các chất ma túy tổng hợp ở Việt Nam, song qua số lượng ma túy tổng hợp bị thu giữ và kết quả khảo sát trên quy mô nhỏ, cho thấy số người nghiện các chất ma túy tổng hợp ở nước ta đang có chiều hướng gia tăng. Nhu cầu điều trị cho người nghiện các chất ma túy tổng hợp vì thế đang trở nên bức xúc ở nhiều địa phương. Trong khi đó, việc chuẩn bị phương án tiếp nhận, điều trị cho người nghiện các chất ma túy tổng hợp ở nước ta còn gặp nhiều lúng túng. Mô hình cai nghiện phục hồi 5 giai đoạn hiện đang áp dụng trong các trung tâm giáo dục, chữa bệnh, lao động và xã hội được xây dựng chỉ nhằm mục đích điều trị, phục hồi cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện mà không nhằm điều trị phục hồi cho người nghiện các chất khác. Để giúp bạn đọc có thêm một số thông tin về hoạt động điều trị nghiện các chất ma túy tổng hợp ở nước ngoài, chúng tôi xin giới thiệu mô hình điều trị có tên Matrix được khởi xướng tại California, Hoa Kỳ.
Matrix là một mô hình điều trị ngoại trú cho những người nghiện các loại ma túy tổng hợp, được Trung tâm nghiên cứu Matrix, một trung tâm hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận ở California, Hoa Kỳ đề ra. Việc ra đời trung tâm này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho việc điều trị các bệnh nhân lạm dụng các chất kích thích như cocain, methamphetamine từ những năm 1980. Trong quá trình phát triển chương trình điều trị này, các chuyên gia đã lồng ghép các nội dung như phòng ngừa tái nghiện, tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân, giáo dục về tâm lý cho các thành viên trong gia đình và giám sát việc sử dụng ma túy với sự tính toán, cân nhắc các nguy cơ mà người sử dụng ma túy tổng hợp có thể phải đối mặt. Chương trình điều trị hiện nay đã được cải biên dựa vào những kinh nghiệm điều trị cho hàng ngàn người nghiện ma túy và đối phó với những vấn đề phức tạp phát sinh do hậu quả của nghiện ma túy.
Mục tiêu của mô hình Matrix là: Giúp người nghiện ngừng sử dụng ma túy và gắn bó với quá trình điều trị; Hiểu những vấn đề cốt lõi liên quan đến cơ chế nghiện và nguy cơ tái nghiện; tiếp nhận những hướng dẫn, hỗ trợ từ nhân viên điều trị; giáo dục tâm lý cho các thành viên trong gia đình; làm quen với các chương trình "bạn giúp bạn"; được giám sát bằng phương pháp thử nước tiểu.
Có một số dạng chương trình điều trị ngoại trú dựa theo mô hình Matrix. Mỗi dạng đều có sách hướng dẫn và các biểu mẫu đánh giá riêng cho những người tham gia
1.Chương trình điều trị tích cực cho các bệnh nhân ngoại trú: là chương trình kéo dài 4 tháng, bao gồm các nội dung nhằm khuyến khích người bệnh nêu cao quyết tâm, động cơ tham gia chương trình điều trị. Các kỹ năng tập huấn phòng ngừa tái nghiện được tiến hành dựa trên các nguyên tắc điều trị nhằm thay đổi nhận thức và sửa đổi hành vi, các hoạt động tự giúp đỡ lẫn nhau gồm 12 bước; được hướng dẫn về các hành vi nghiện ma túy và giáo dục tâm lý cho thành viên gia đình. Sau khi đã trải qua các phần cơ bản của chương trình, các học viên được khuyến khích tham gia các hoạt động của các nhóm hỗ trợ xã hội nhằm giúp quá trình hồi phục được nhanh hơn và phòng ngừa tái nghiện.
2. Chương trình điều trị tích cực cho từng cá nhân: Thời gian là 6 tháng.
Đây là một chương trình dành cho những bệnh nhân có nhu cầu về những can thiệp riêng biệt. Các phần cơ bản nhất trong chương trình cũng tương tự như đối với chương trình điều trị ngoại trú cho các bệnh nhân nghiện các chất kích thích. Để đáp ứng các nhu cầu của người bệnh, các bài tập cá nhân cần đáp ứng nhu cầu riêng của từng người bệnh và hàng tuần phải được lồng ghép với các bài tập nhóm. Loại chương trình này rất phù hợp với những bệnh nhân có nhu cầu điều trị riêng, những người nghiện đang trong thời gian mang thai hoặc những bệnh nhân đang mắc các bệnh mạn tính, những người nghiện nặng hoặc người nghiện các chất kích thích đang mắc các chứng rối loạn tâm thần.
3. Chương trình can thiệp sớm: 4 tuần
Chương trình này được thiết kế nhằm giúp những người nghiện các chất kích thích dễ thích ứng với các tác động của các can thiệp. Chương trình bao gồm 6 phần như sau: Đánh giá đầu vào (mức độ lệ thuộc vào các chất ma túy tổng hợp của người bệnh; đánh giá mức độ liên quan của các thành viên khác trong gia đình; đánh giá nguy cơ đối với việc lạm dụng ma túy; đánh giá tình trạng sức khỏe, lối sống của người bệnh; đánh giá động cơ; lập kế hoạch điều trị nhằm giúp thay đổi hành vi. Sau mỗi bài có thể tiến hành thử nước tiểu nhằm đánh giá mức độ tiến bộ của người bệnh.
Các nội dung chính của chương trình gồm:
Các kỹ năng hồi phục sớm: Phân tích các nguy cơ tái nghiện cho người nghiện, những thèm muốn, hướng dẫn các kỹ năng đối phó như kỹ năng ngừng nghĩ; giới thiệu chương trình 12 bước; kiểm soát lịch trình sinh hoạt và các bài tập được thiết kế nhằm duy trì tình trạng không có ma túy.
Phòng ngừa tái nghiện: Củng cố động cơ phục hồi cho người bệnh; học cách đối phó với stress, trầm cảm hoặc cáu giận; các kỹ năng, kiến thức về tái nghiện cần trang bị cho họ.
Nhóm giáo dục gia đình: Học về cơ chế lệ thuộc vào các chất ma túy và hiểu tầm quan trọng của gia đình trong việc hỗ trợ người nghiện thông qua các băng video, bài giảng; các học viên thảo luận nhóm và các thành viên gia đình (được tổ chức vào giai đoạn cuối của khóa điều trị).
Nhóm hỗ trợ xã hội: Các hoạt động hỗ trợ nhóm nhằm giúp các bệnh nhân đang trong giai đoạn hồi phục tự tái hòa nhập cộng đồng: Thảo luận các chủ đề về sự thèm muốn ma túy, sự trầm cảm...
Mô hình điều trị Matrix được Viện nghiên cứu quốc gia về lạm dụng ma túy của Hoa Kỳ (NIDA) giới thiệu như một phương pháp điều trị và đã được khoa học chứng minh là một phương pháp điều trị có hiệu quả và có bổ sung chương trình phòng ngừa tái nghiện. Rất nhiều dự án nghiên cứu về điều trị phục hồi cho người nghiện có sử dụng mô hình điều trị Matrix đã cho thấy những người tham gia điều trị sau đó đã giảm sử dụng các chất ma túy như methamphetamine, cocaine... Các chỉ số tâm lý của người bệnh cũng như các hành vi nguy cơ cao liên quan đến lây nhiễm HIV/AIDS đã được cải thiện đáng kể. Hiện nay mô hình điều trị Matrix đang được áp dụng ở 12 bang của Hoa Kỳ và 4 quốc gia khác, trong đó có Thái Lan.
Thái Lan đưa mô hình điều trị Matrix vào điều trị cho người nghiện các chất ma túy tổng hợp trên phạm vi toàn quốc từ năm 2002, chủ yếu tại các bệnh viện và các trung tâm y tế. Chương trình có sự phối hợp và hỗ trợ về tài chính từ phía chính phủ Hoa Kỳ. Do có sự chuyển đổi nhanh từ hình thức sử dụng các chất ma túy truyền thống là thuốc phiện, heroin sang ma túy tổng hợp dạng ATS mà chính phủ Thái Lan đặt ra nhu cầu phát triển cấp thiết chương trình điều trị nhằm đáp ứng yêu cầu điều trị người nghiện ATS đang gia tăng
Theo Tập san Phòng chống ma túy