Cao Bằng: Góp phần phòng chống ma túy hiệu quả

29/11/2011 Lượt xem: 340 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc có địa hình phức tạp, đường biên giới dài và nhiều thành phần dân tộc: Kinh, Tày, Mông, Dao, Sán Chỉ, Nùng... sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế chậm phát triển, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng núi cao của tỉnh. Đây là môi trường thuận lợi cho các tệ nạn xã hội phát triển, nhất là tệ nạn về buôn bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma tuý, hoạt động mại dâm, buôn bán phụ nữ qua biên giới gia tăng.

Bà Phạm Thị Lan, Phó trưởng phòng Tổ chức Trung tâm GDLĐXH cho biết: Những năm gần đây, Trung tâm luôn rơi vào tình trạng quá tải, không đáp ứng được so với số người nghiện trên địa bàn toàn tỉnh.

Tính từ năm 2008 đến nay, Trung tâm tiếp nhận 557 lượt người nghiện ma tuý vào chữa trị, trong đó có 205 người cai nghiện tự nguyện. Trong tổng số người vào cai nghiện tại Trung tâm nhiều người đã bị mắc bệnh HIV. Hầu hết người nghiện đều ở độ tuổi lao động, không nghề nghiệp. Trung tâm còn tiếp nhận 24 gái mại dâm do lực lượng công an triệt phá tại các nhà hàng trong tỉnh và 13 phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bị lừa gạt bán sang Trung Quốc trở về.

Các học viên nghiện ma tuý vào Trung tâm đã được cán bộ phân loại, kiểm tra sức khoẻ, lấy mẫu máu xét nghiệm HIV và quản lý tại khu cách ly để điều trị cắt cơn nghiện. Đặc biệt, từ tháng 5/2008, Trung tâm đã sử dụng thuốc CEDIMEX để điều trị, giúp người nghiện cắt cơn nghiện tốt hơn, nhanh chóng phục hồi sức khoẻ.

Với tinh thần trách nhiệm cao, không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, cán bộ Trung tâm đã phục vụ và chăm sóc chữa trị bệnh nhân chu đáo, kịp thời.

Học viên Nguyễn Thanh Bình, thị trấn Nguyên Bình, huyện Nguyên Bình cho biết: Em nghiện ma túy từ năm 2002. Tháng 6/2010, em được tiếp nhận vào Trung tâm để cai nghiện theo diện bắt buộc. Sau 2 tháng điều trị cai nghiện tại Trung tâm, được sự quan tâm chăm sóc của cán bộ, em đã cắt được cơn nghiện và sức khoẻ đã dần phục hồi.

Cùng với thực hiện phác đồ điều trị cai nghiện, Trung tâm thường xuyên tư vấn tuyên truyền cho các học viên, đồng thời tổ chức sinh hoạt nhận xét, biểu dương khích lệ các học viên thực hiện tốt, tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ và thể thao; phối hợp với Trường Trung cấp Nghề Cao Bằng dạy nghề hàn và sửa chữa xe máy cho học viên. Đối với các học viên không biết đọc, biết viết và nói tiếng phổ thông, Trung tâm tổ chức các lớp dạy xoá mù chữ. Hầu hết các học viên sau khi ra khỏi Trung tâm đều biết nói tiếng phổ thông và viết được tên mình. Học viên Hoàng Văn Giáp, huyện Trùng Khánh cho biết: Sau khi vào Trung tâm, em được điều trị cắt cơn nghiện. Em còn được học chữ, học nghề sửa chữa xe máy. Sau khi ra khỏi Trung tâm, về quê em sẽ mở cửa hàng sửa chữa xe máy tại quê mình, làm lại cuộc đời.

Không chỉ thực hiện quản lý trực tiếp các học viên, Trung tâm còn phối hợp với các huyện, thị trong tỉnh lập kế hoạch tổ chức kiểm tra xét nghiệm đối với các học viên đã cai nghiện trở về địa phương.

Đối với các đối tượng mại dâm, cán bộ Trung tâm tiến hành kiểm tra sức khoẻ, xét nghiệm và chẩn đoán bệnh để điều trị kịp thời. Trung tâm động viên, cảm hoá và giáo dục để họ nhận ra sai lầm, tích cực rèn luyện để hoàn lương, hòa nhập cộng đồng. Đối tượng Hoàng Thị V. quê ở Bắc Kạn cho biết: Sau khi vào Trung tâm được chăm sóc, giúp đỡ và sự chỉ bảo tận tình của cán bộ, em mới nhận ra giá trị của cuộc sống. Bây giờ em chỉ muốn được sớm ra khỏi Trung tâm để trở về với mái ấm gia đình của mình.

Với những nỗ lực của cán bộ, y bác sỹ, Trung tâm GDLĐXH Cao Bằng được các cấp, ngành và đồng bào các dân tộc trong tỉnh khen ngợi. Ông Đàm Đức Độ, Giám đốc Trung tâm GDLĐXH cho biết: Trung tâm đang xây dựng địa điểm mới ở xóm Nà Roác, xã Bạch Đằng, huyện Hoà An với năng lực tiếp nhận 500 học viên. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh tiến độ xây dựng và khắc phục khó khăn để chăm sóc, chữa trị và quản lý các học viên với điều kiện tốt nhất.

Theo Báo Dân tộc và Phát triển