Về định tội danh đối với hành vi tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy
07/12/2018 Lượt xem: 1888 In bài viếtĐối với Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, mức hình phạt nhẹ nhất Khoản 1 có khung hình phạt từ 1 năm đến 5 năm tù, trong khi Tội mua bán trái phép chất ma túy, Khoản 1 có mức hình phạt nhẹ nhất từ 2 năm đến 7 năm tù. Quy định trên thể hiện sự đánh giá tính nguy hiểm của Tội tàng trữ trái phép chất ma túy nhẹ hơn so với Tội mua bán trái phép chất ma túy, chính điều này là nguyên nhân gây ra một số vướng mắc trong giải quyết vụ án mà trước đây áp dụng Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999 không gặp phải.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 249 BLHS năm 2015: “... Tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy...”. Điều đó có nghĩa là nếu một người tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm mục đích mua bán thì không phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Không phải tinh thần quy định này chưa được giải thích trong văn bản pháp luật, tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 đã hướng dẫn: Mua bán trái phép chất ma túy gồm nhiều hành vi trong đó có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác.
Do vậy, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17 nói trên, khi xác định được một người tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác thì người đó phạm vào Tội mua bán trái phép chất ma túy, tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Thông tư liên tịch số 17 nói trên, hướng dẫn áp dụng BLHS năm 1999 nhưng đến nay BLHS 1999 đã hết hiệu lực.
Trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các tội phạm về ma túy của BLHS năm 2015 gây ảnh hưởng nhiều đến việc xác định tội danh, đặc biệt khi mà tội tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy có mức hình phạt khác nhau. Để né tránh trách nhiệm hình sự về tội hoặc hình phạt nặng hơn, mặt khác, do quy định mới của Luật tạm giữ, tạm giam, bị can có quyền tiếp xúc với thân nhân, người bào chữa cởi mở hơn trước kia nên không loại trừ trường hợp sau khi được tư vấn bị can có thể thay đổi lời khai tại bất kỳ giai đoạn tố tụng nào theo hướng có lợi cho họ. Do đó, vấn đề nhất quán trong việc định tội danh giữa tàng trữ và mua bán trái phép chất ma túy theo quy định của BLHS năm 2015 ngay sau khi xác định được toàn bộ hành vi khách quan, động cơ, mục đích có ý nghĩa quan trọng, thiết thực đối với công tác kiểm sát điều tra, truy tố.
Thực tiễn hiện nay xảy ra trường hợp toàn bộ quá trình điều tra, truy tố bị can khai nhận tàng trữ trái phép chất ma túy mục đích ai mua thì bán, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá chứng cứ cho rằng: Ngoài lời khai của bị can không xác định được người mua cụ thể nên không đủ căn cứ xác định bị can phạm Tội mua bán mà bị can chỉ phạm Tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Hoặc trường hợp ngoài 01 lần bán ma túy hoàn thành, bị can còn tàng trữ 0,1 gam heroin mục đích có ai mua thì bán (không xác định được người mua), Viện kiểm sát truy tố 02 tội là Tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 251 và Tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo Điều 249. Tòa án cho rằng bị cáo chỉ phạm một Tội mua bán trái phép chất ma túy, đối với 0,1 gam ma túy heroine nhằm để bán; có 2 luồng ý kiến khác nhau:
Một là, phải tính là một lần bán ma túy để xét xử bị cáo theo khoản 2 Điều 251 về Tội mua bán trái phép chất ma túy với tình tiết “phạm tội nhiều lần”.
Hai là, lượng ma túy này cần được thu hút vào Tội mua bán trái phép chất ma túy, để xét xử bị cáo theo khoản 1 Điều 251.
Những ý kiến trên đều bộc lộ những điểm bất hợp lý. Bởi lẽ:
Thứ nhất, ngoài BLHS năm 2015, đang có hiệu lực, đến thời điểm hiện nay, không có định nghĩa cụ thể trong Bộ luật hoặc các văn bản hướng dẫn hành vi mua bán trái phép chất ma túy là gì nhưng qua quy định Tàng trữ trái phép chất ma túy mà… không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất tại khoản 1 Điều 249 BLHS năm 2015 có thể hiểu: Khi một người có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm mục đích để bán trái phép là phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, như tinh thần hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17 trước đây.
Thứ hai, trong thực tiễn, thông thường người bán hàng (bất kỳ mặt hàng gì: Lương thực, thực phẩm, thuốc men…) đều không biết cụ thể người sẽ mua hàng hóa của mình là ai, nhưng có một điều chắc chắn họ luôn có mục đích bán hàng, họ được xã hội gọi là người làm nghề buôn bán, kinh doanh, doanh nhân… Liên hệ với trường hợp người bán ma túy, họ cũng không thể biết họ sẽ bán ma túy cho ai cụ thể trước được, chỉ biết rằng họ luôn sẵn có ma túy để bán cho người có nhu cầu. Do đó, lập luận phải chứng minh được người mua thì mới cấu thành tội mua bán trái phép chất ma túy là khiên cưỡng, không đúng tinh thần Điều 249 BLHS năm 2015.
Thứ ba, so sánh với hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSTC-TANDTC ngày 25/12/2008 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo thì hành vi tàng trừ, vận chuyển trái phép pháo nổ với mục đích buôn bán ở trong nước bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Buôn bán hàng cấm”. Việc định tội và áp dụng đến nay không xảy ra tranh chấp với cùng một vấn đề có điểm tương đồng như trên.
Để thống nhất trong xác định tội danh, phục vụ tốt công tác áp dụng pháp luật hình sự, liên ngành tư pháp trung ương cần có hướng dẫn để thống nhất giải quyết những tranh chấp, xung đột trong định tội danh đối với trường hợp tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm mục đích để bán nhưng không xác định được người mua và trường hợp ngoài hành vi mua bán hoàn thành (ví dụ 1 lần), người phạm tội còn tàng trữ trái phép một lượng chất ma túy (đủ định lượng của tội tàng trữ trái phép chất ma túy) nhằm mục đích để bán nhưng không xác định được người mua là cần thiết.
(tiengchuong.vn)