Nghiên cứu hiệu quả loại thuốc điều trị người nhiễm HIV nghiện ma túy

03/11/2015 Lượt xem: 498 In bài viết

Trường ĐH Y Hà Nội và ĐH Khoa học sức khỏe Oregon (Hoa Kỳ) phối hợp với trung tâm phòng chống AIDS Hà Nội vừa tổ chức lễ công bố khởi động nghiên cứu So sánh hiệu quả mô hình điều trị Suboxone trên bệnh nhân HIV nghiện chất dạng thuốc phiện tại Việt Nam tại cơ sở điều trị HIV ngoại trú và mô hình điều trị tại cơ sở Methadone.

Theo TS.Lê Minh Giang, trường ĐH Y Hà Nội, nghiên cứu này sẽ được thực hiện với 450 bệnh nhân nhiễm HIV và nghiện chất dạng thuốc phiện chưa từng được điều trị ARV và Methadone ở Hà Nội, Bắc Giang và Thanh Hóa.

Khi đó, nghiên cứu sẽ phân bổ ngẫu nhiên những bệnh nhân này vào hai nhóm: Một nhóm điều trị thuốc Suboxone tại cơ sở điều trị ngoại trú HIV và một nhóm điều trị Methadone tại cơ sở điều trị Methadone. Bệnh nhân sẽ được theo dõi trong 12 tháng và được hỗ trợ thuốc cũng như các chi phí xét nghiệm liên quan đến nghiên cứu.

Suboxone được chính thức đưa vào sử dụng trên thế giới từ năm 2002. Đây là một loại thuốc điều trị thay thế, dùng cho bệnh nhân nghiện chất dạng thuốc phiện. Thuốc có nhiều ưu điểm như hạn chế tình trạng quá liều, tác dụng của thuốc kéo dài, do đó bệnh nhân có thể uống cách nhật, giảm sử dụng thuốc sai mục đích và đặc biệt có ít tương tác với các loại điều trị HIV và thuốc điều trị lao.

TS Giang cũng cho biết, thuốc Suboxone có viên 2mg, 4mg và 8mg, vì vậy rất linh hoạt trong kê liều. Nếu như Methadone, lượng thuốc bệnh nhân phải uống có khi đến 470ml/ngày thì lượng thuốc uống Suboxone của bệnh nhân ít hơn nhiều. Bên cạnh đó, đặc tính linh hoạt của Suboxone cũng không nhất thiết phải xây dựng cơ sở riêng biệt để điều trị như Methadone.

Không còn thèm muốn heroin

Bà Nguyễn Thị Hạ, Trưởng phòng khám ngoại trú Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết, hiện phòng khám đang điều trị cho 7 bệnh nhân bằng thuốc Suboxone. Những bệnh nhân này khởi liều từ ngày 17/10/2015.

Trong đó, có bệnh nhân nghiện heroin rất nặng, mỗi ngày sử dụng 4-5 liều heroin với chi phí lên tới 1 triệu đồng/ngày. Bệnh nhân cũng đã tự cai nhiều lần nhưng không thành công.

“Những ngày đầu dùng thuốc Suboxone, bệnh nhân còn thèm nhớ thuốc, nhưng sau 10 ngày, với liều sử dụng 18mg/ngày, bệnh nhân đã không còn thèm thuốc” - bà Hạ nói.

Anh S. ở Hoàng Mai (Hà Nội), nghiện từ năm 2001, mặc dù nhiều lần tự cai ở nhà nhưng không thành công. Anh S. cho biết mỗi ngày anh bỏ ra 500.000 - 600.000 để sử dụng thuốc. Hiện anh đang được điều trị bằng Suboxone, sau 11 ngày điều trị đến nay, anh không còn thèm muốn heroin nữa.

TS Phạm Đức Mạnh, Cục phó Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho rằng cùng với việc mở rộng chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, việc đưa vào nghiên cứu thử nghiệm Suboxone hứa hẹn mở ra cơ hội điều trị cho nhiều bệnh nhân nghiện trên toàn quốc, góp phần vào thực hiện cam kết 90-90-90 của Việt Nam. Nghĩa là 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chuẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng 260.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng, trong đó chỉ có khoảng 56% trong số những người nhiễm HIV biết tình trạng của họ. Hiện đang có gần 87.000 bệnh nhân đang được điều trị ARV (chiếm 32%). Việc xét nghiệm tải lượng virus ở Việt Nam chưa mang tính thường quy, mới chỉ thực hiện chủ yếu trong các trường hợp nghi ngờ thất bại. Do vậy, ước tính tỷ lệ xét nghiệm tải lượng mới đạt khoảng 5% số người được điều trị ARV.

 

Thúy Hà

Nguồn: chinhphu.vn

[TT: TBC]